Những điều kiêng kỵ trong 3 tháng đầu mang thai

Tác giả:
phathaithaiha
update on
January 22, 2024
Tham vấn y khoa:
Bác sĩ tại phòng khám Thái Hà

Câu hỏi: Mang thai 3 tháng đầu nên kiêng gì? Mang thai 3 tháng đầu không nên ăn gì? Những điều kiêng kỵ trong 3 tháng đầu mang thai chị em cần lưu ý để bảo vệ thai nhi trong giai đoạn đầu còn dễ tổn thương. Sau đây mời mẹ bầu hãy cùng phòng khám Thái Hà tìm hiểu nhé!

Tóm Tắt Nội Dung Bài Viết [Hiện]

1. Dấu hiệu nhận biết mang thai 3 tháng đầu

Khi mang thai, nữ giới có thể tự nhận biết các dấu hiệu khác thường của cơ thể. Từ đó chuẩn bị tâm lý vững vàng cũng như thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống để thai nhi có thể phát triển ổn định và khoẻ mạnh. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết mang thai 3 tháng đầu phổ biến:

  • Chậm kỳ kinh nguyệt.
  • Chảy máu báo thai có màu hồng, đỏ hoặc nâu nhạt.
  • Nhiệt độ cơ thể có xu hướng tăng lên.
  • Cảm thấy buồn nôn, bị nôn mửa, ốm nghén.
  • Vùng ngực sưng to, căng tức, núm vú sẫm màu hơn.
  • Gặp vấn đề về tiểu tiện, tiểu rắt, tiểu nhiều lần.
  • Nhạy cảm với mùi vị.
  • Sở thích và thói quen ăn uống có sự thay đổi.
  • Tâm trạng thay đổi thất thường và nhạy cảm hơn.
  • Kiểm tra bằng que thử thai cho kết quả 2 vạch.

Chị em cần chú ý theo dõi các dấu hiệu khác lạ của cơ thể để tiến hành thăm khám và xác định chính xác bản thân đã mang thai. Điều này giúp cho thai phụ tránh phạm phải những điều kiêng kỵ trong 3 tháng đầu mang thai.

2. Tại sao cần kiêng kỵ trong 3 tháng đầu mang thai?

Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ (hay còn gọi là tam cá nguyệt đầu tiên) là khoảng thời gian quyết định sự tồn tại, sức khoẻ và sự phát triển của thai nhi. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng 3 tháng đầu thai kỳ là khoảng thời gian cực kỳ quan trọng và nhạy cảm. Khoảng tuần thứ 4, hệ thần kinh của thai nhi bắt đầu phát triển. Sang đến tuần thứ 6 – 7, não bộ, tuỷ sống cũng dần hình thành và tim thai đã xuất hiện những nhịp đập đầu tiên. Khi thai nhi được 8 – 10 tuần tuổi, cơ thể đã thành hình, tay chân rõ ràng, các cơ quan nội tạng cũng phát triển. Đến tuần thứ 11 – 12, lúc này cơ thể thai nhi đã hình thành tương đối đầy đủ bộ phận, thai nhi phát triển khá nhanh vào thời gian này. Chính vì vậy, để đảm bảo sự an toàn thai nhi cũng như giúp em bé phát triển khoẻ mạnh, mẹ bầu cần kiêng kỵ nhiều thứ trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Đồng thời, trong thời điểm này, cơ thể nữ giới có rất nhiều thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tâm trạng. Hệ miễn dịch của thai phụ bị suy giảm một chút và yếu hơn so với nữ giới bình thường. Điều này khiến thai phụ dễ mắc các bệnh lý có thể tác động tiêu cực đến thai nhi. Ngoài ra, cơ thể nữ giới mang thai chưa thể thích nghi ngay lập tức với sự thay đổi đột ngột của nồng độ nội tiết tố nên có thể gặp nhiều vấn đề bất thường. Đây là những lý do khiến cho nữ giới phải cẩn thận và chú ý những thứ kiêng kỵ trong 3 tháng đầu mang thai để nhanh chóng vượt qua khoảng thời gian nhạy cảm này.

Những điều kiêng kỵ trong 3 tháng đầu mang thai

3. Những điều kiêng kỵ trong 3 tháng đầu mang thai

Mang thai 3 tháng đầu nên kiêng gì? Chị em nên lưu lại danh sách dưới đây để thực hiện đầy đủ nhé!

3.1. Kiêng một số loại thực phẩm

Chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể thai phụ và là yếu tố đầu tiên thai phụ cần đặc biệt chú ý trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Mẹ bầu phải xây dựng chế độ ăn uống cân bằng các chất dinh dưỡng, không thiếu và không thừa chất, bổ sung thêm vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khoẻ. Đồng thời cũng cần kiêng một số thực phẩm ảnh hưởng xấu đến thai nhi cụ thể như sau:

  • Thực phẩm khiến tử cung bị co thắt: Một số loại rau củ, trái cây như rau răm, rau ngót, rau chùm ngây, mướp đắng, táo mèo, đu đủ xanh, trái dứa… chứa enzyme bromelain làm vỡ cấu trúc protein, gây ra hiện tượng co thắt tử cung và có thể dẫn đến sảy thai.
  • Hải sản chưa chín: Loại thực phẩm này thường được đánh giá cao vì chứa nhiều chất bổ dưỡng cho sức khoẻ. Tuy nhiên các loại hải sản sống thường chứa một lượng lớn thuỷ ngân và các tạp chất có hại. Nếu không được sơ chế cẩn thận và chế biến chín kỹ, thai nhi có nguy cơ gặp nhiều vấn đề về não bộ, thị lực, thính giác khi người mẹ ăn những thực phẩm này.
  • Thực phẩm sống: Loại thực phẩm mà thai phụ mang thai 3 tháng đầu cần kiêng ăn là đồ ăn sống, chưa chín. Các loại trứng sống, thịt sống, rau sống thường chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng có hại cho mẹ bầu và em bé. Thai phụ có thể gặp vấn đề về tiêu hoá nếu ăn phải thực phẩm sống không đảm bảo chất lượng. Nghiêm trọng hơn, thai nhi dễ bị sinh non, chết lưu nếu bị nhiễm khuẩn từ các thực phẩm sống.
  • Thực phẩm chứa caffeine: Đa số các thực phẩm, đồ uống chứa caffeine sẽ ảnh hưởng đến bản thân thai phụ và cả thai nhi. Một số tác hại thường gặp khi sử dụng nhiều thực phẩm chứa caffeine là dẫn đến tình trạng khó ngủ, mất ngủ, tác động tiêu cực đến hệ thần kinh và sức khoẻ tinh thần của thai phụ.
  • Đồ uống có cồn: Các loại bia, rượu, đồ uống chứa cồn sẽ gây khó khăn cho quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng và oxy của thai nhi bị suy giảm rõ rệt. Vì vậy trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu tuyệt đối không được sử dụng các loại đồ uống này.

3.2. Hạn chế dùng thuốc nhuộm tóc và sơn móng tay

Không nên nhuộm tóc, sơn móng tay, móng chân bởi thành phần hóa học trong các sản phẩm này thường chứa các thành phần hoá học có hại cho thai nhi và người mẹ như phenylenediamine, aminophenol… Còn thành phần Phthalates trong các loại sơn móng tay, móng chân khiến thai phụ có nguy cơ rất cao bị rối loạn tuyến giáp và cản trở sự phát triển bình thường của não bộ thai nhi. Vì vậy, chị em mang thai 3 tháng đầu nên tránh nhuộm tóc và sơn móng tay, móng chân thường xuyên.

3.3. Cân nhắc sử dụng loại mỹ phẩm phù hợp

Đa số bên trong các loại mỹ phẩm đều chứa những thành phần có hại cho thai phụ và thai nhi, dễ gây ra rối loạn nội tiết tố, tác động tiêu cực đến hệ thần kinh. Tên các thành phần ấy là avobenzone, homosalate, aluminum chloride hexahydrate, oxybenzone…

Vì vậy, thai phụ khi tìm mua mỹ phẩm cần chú ý tránh lựa chọn sản phẩm chứa các thành phần trên. Chị em mang thai nên lựa chọn mỹ phẩm thuần chay, sản xuất từ các nguyên liệu tự nhiên, ưu tiên sử dụng các sản phẩm chăm sóc và hạn chế dùng sản phẩm trang điểm.

3.4. Không tẩy trắng răng

Khoảng thời gian 3 tháng đầu thai kỳ, chị em không nên thực hiện các hoạt động tẩy trắng răng. Khi mang thai, phần nướu của nữ giới khá nhạy cảm nên rất dễ bị tổn thương và sưng viêm do tẩy trắng răng. Thêm vào đó, các thành phần trong chất tẩy trắng răng có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của thai phụ và sự phát triển của thai nhi.

3.5. Không hít khói thuốc hoặc hút thuốc lá

Thuốc lá ra nhiều tác hại cho sức khoẻ thai phụ, đặc biệt là thai phụ mang thai 3 tháng đầu. Theo nhiều nghiên cứu, một điếu thuốc lá có chứa hơn 4000 loại hoá chất, trong đó bao gồm rất nhiều thành phần độc hại như nicotine, acetone, arsenic, polonium, carbon monoxide, methane… Ngay cả khi không trực tiếp hút thuốc lá, khói thuốc từ người hút khác cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của thai phụ. Ngoài ra, không chỉ thuốc lá truyền thống mà thuốc lá điện tử có lượng nicotin thấp cũng có thể gây ra nhiều tác hại nặng nề cho phụ nữ mang thai.

  • Ảnh hưởng của thuốc lá đến thai phụ: Gây ra co thắt ống dẫn trứng, co bóp tử cung, gây khó khăn cho quá trình phôi thai di chuyển đến tử cung để làm tổ, từ đó gây ra mang thai ngoài tử cung. Nguy hiểm hơn, thai phụ có nguy cơ rất cao bị rối loạn tuyến giáp, vỡ ối, sảy thai…
  • Ảnh hưởng của thuốc lá đến thai nhi: Phôi thai có nguy cơ cao bị chết lưu, sinh thiếu tháng, chậm phát triển… Trẻ sơ sinh có thể bị nhiều dị tật bẩm sinh, gặp vấn đề về não bộ, hệ thần kinh, phổi, tim mạch, cản trở sự phát triển bình thường trong tương lai.

3.6. Tránh đi giày cao gót

Thai phụ trong 3 tháng đầu thai kỳ nên hạn chế mang các loại giày, guốc, dép cao gót. Điều này là bởi mẹ bầu có thể bị vấp, té ngã, gây ra hiện tượng doạ sảy, nghiêm trọng hơn là có thể dẫn đến sảy thai. Để đảm bảo an toàn khi vận động và đi lại, thai phụ nên ưu tiên lựa chọn các loại giày đế bệt, dép đế thấp, chất liệu mềm mại, độ bám tốt để sử dụng hàng ngày.

Một số tác hại mà thai phụ mang thai 3 tháng dễ gặp phải nếu mang giày cao gót:

  • Khó giữ thăng bằng: Nội tiết tố thay đổi cùng với việc tăng cân sẽ khiến cho chân của thai phụ phải chịu áp lực rất lớn và yếu hơn bình thường. Việc đi giày cao gót khi chân yếu khiến thai phụ khó khăn trong việc giữ thăng bằng cơ thể, rất dễ bị vấp ngã, ảnh hưởng trực tiếp đến thai kỳ.
  • Khiến chân khó chịu, đau nhức: Giày cao gót thường có kiểu dáng bó chặt, ôm sát kết hợp với phần đế rất cao dễ khiến cho bàn chân nữ giới có thai bị khó chịu, đau đớn, sưng đỏ, phù nề, chảy máu.
  • Dễ bị chuột rút: Khi mang giày cao gót, cơ chân luôn ở trong tình trạng căng cứng từ đó gây ra hiện tượng co rút.
  • Dẫn đến đau lưng: Thai phụ có thể gặp phải tình trạng đau nhức vùng lưng nếu mang giày cao gót. Nguyên nhân là do khi đi giày đế cao, xương chậu thường đẩy về phía trước, thắt lưng có xu hướng cong hơn tạo áp lực cho vùng chậu, khớp chân và vùng lưng.

3.7. Hạn chế ngồi hoặc đứng quá lâu

Nữ giới trong 3 tháng đầu thai kỳ ngồi hoặc đứng trong một tư thế quá lâu có thể khiến cho vùng ổ bụng chịu phải áp lực. Tình trạng này kéo dài khiến cho mẹ bầu gặp các vấn đề về tiêu hoá điển hình là táo bón. Từ đó gây ra bệnh trĩ, thậm chí thường xuyên rặn mạnh khi đi đại tiện có nguy cơ dẫn đến hiện tượng doạ sảy hoặc sảy thai.

3.8. Tránh chơi các trò cảm giác mạnh

Rất nhiều chị em có sở thích trải nghiệm các trò cảm giác mạnh như tàu lượn siêu tốc, lướt sóng, vượt thác, đua xe, nhảy dù, đu dây… Tuy nhiên khi mang thai được 3 tháng thì nữ giới tuyệt đối không được tham gia các trò chơi này. Nguyên nhân là do các hoạt động này có thể khiến thai phụ chóng mặt, hồi hộp, bất ngờ, hoảng hốt, tim mạch đập nhanh, buồn nôn, ngất xỉu…

3.9. Hạn chế tới nơi đông người

Thai phụ mang thai 3 tháng đầu thường có sức đề kháng yếu hơn thông thường nên dễ dàng bị các tác nhân có hại xâm nhập, tấn công và gây bệnh. Vì thế, chị em đang có thai nên hạn chế tụ tập tại những địa điểm đông người, đặc biệt là thời điểm có nhiều dịch bệnh. Khi đến bệnh viện cần chú ý đeo khẩu trang cẩn thận và sát khuẩn tay thường xuyên để tránh lây chéo một số bệnh truyền nhiễm.

3.10. Tránh làm việc trong môi trường độc hại

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, cả mẹ bầu lẫn thai nhi đều cực kỳ nhạy cảm với mùi hương, hoá chất, chất phóng xạ. Nếu thai phụ phải liên tục làm việc và tiếp xúc trong môi trường độc hại, quá trình hình thành và phát triển của thai nhi sẽ bị gián đoạn và thậm chí là không thể tiếp tục tồn tại. Vì tương lai của em bé, mẹ bầu 3 tháng cần ngưng làm việc tại các môi trường như sau:

  • Công tác trong ngành thú y hoặc chăn nuôi: Thai phụ cần chú ý tránh xa và không tiếp xúc với các con vật nguy hiểm, có độc, động vật đang mắc bệnh… khi làm việc trong ngành thú y hoặc chăn nuôi. Đặc biệt là tránh xa loài mèo bởi nếu mẹ bầu tiếp xúc với mèo bị toxoplasmosis có nguy cơ khiến thai nhi bị chết lưu, dị tật bẩm sinh, não úng thuỷ…
  • Làm việc tại môi trường y khoa: Môi trường y khoa khá nguy hiểm với mẹ bầu, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm vì cần tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, đặc biệt là vào giai đoạn dịch bệnh bùng phát phức tạp. Thai nhi có thể bị dị hình, dị tật bẩm sinh nếu thai phụ bị mắc bệnh truyền nhiễm kéo dài mà không được chữa trị hiệu quả. Do đó, mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu nên tránh làm việc trong môi trường y khoa nhiều mầm bệnh. Trong trường hợp không thể tạm dừng công việc thì cần chủ động phòng tránh bệnh bằng những biện pháp bảo vệ hiệu quả như khẩu trang, găng tay, trang phục chuyên dụng…
  • Tiếp xúc và sản xuất hoá chất: Mẹ bầu cần tạm dừng làm việc tại công ty sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm, xăng dầu, chất tẩy rửa… cho tới khi “mẹ tròn con vuông”. Điều này là bởi tại những môi trường này có rất nhiều chất độc hại như carbon disulfide, chì, methyl mercury, dimethylbenzene… Các chất hoá học này không chỉ gây hại cho bản thân mẹ bầu mà còn ảnh hưởng rất lớn tới thai nhi, khiến em bé sinh ra có nguy cơ dị hình bẩm sinh.
  • Tiếp xúc trực tiếp với bức xạ điện từ: Đây là môi trường tiềm ẩn cực kỳ nhiều mối nguy hiểm đe doạ sự tồn tại và phát triển của thai nhi, có thể gây ra dị dạng phần đầu, suy giáp bẩm sinh, hiện tượng vô não cho trẻ sơ sinh. Vì vậy, để em bé chào đời khoẻ mạnh, mẹ bầu nên dừng làm việc tại các phòng nghiên cứu, nhà máy sản xuất TV, phòng phóng xạ y tế và công nghiệp…

3.11. Tránh mệt mỏi, căng thẳng kéo dài

Thực tế có rất nhiều trường hợp mẹ bầu có thai 3 tháng thường xuyên gặp các vấn đề tâm lý như lo lắng quá mức, suy nghĩ nhiều, căng thẳng kéo dài, stress… Tất nhiên tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ tinh thần thai phụ và cả sự phát triển của thai nhi. Mẹ bầu chịu áp lực tâm lý trong thời gian dài có thể dẫn đến thiếu hụt oxy trong máu, sảy thai, sinh con thiếu tháng. Em bé nếu được sinh ra có nguy cơ cao bị tăng động, tự kỷ, bất thường về não bộ…

Vậy nên, nữ giới trong thai kỳ cần giữ tâm lý thoải mái, tinh thần ổn định, suy nghĩ tích cực, dành thời gian thư giãn hoặc trò chuyện với bạn bè để giải toả tâm trạng.

3.12. Không mang vác đồ nặng

Việc bê vác đồ quá nặng khi mang thai được 3 tháng có thể gây ra nhiều tác hại, ảnh hưởng rất lớn đến người mẹ và em bé. Khi phải mang nhiều đồ nặng, ổ bụng phải chịu áp lực rất lớn do bị chèn ép, các cơ quan nội tạng trong ổ bụng cũng bị tác động tiêu cực, từ đó cản trở máu lưu thông đến tim và nhiều bộ phận khác. Đây là một nguyên nhân gây ra bệnh trĩ cho các mẹ bầu.

Đồng thời, các cơ quan trong ổ bụng bị chèn ép và dồn nén xuống phía dưới, tác động rất lớn đến của thai nhi, nguy cơ cao xảy ra hiện tượng sảy thai.

3.13. Không vận động mạnh và tập luyện quá sức

Việc tập luyện thể thao hàng ngày mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ của thai phụ và em bé. Tuy nhiên nếu mẹ bầu tập luyện quá sức với cường độ cao, tập các bộ môn mạnh mẽ, mạo hiểm thường xuyên có thể dẫn đến kiệt sức, dễ chấn thương, té ngã, động thai, nghiêm trọng hơn là sảy thai. Vì vậy, việc lựa chọn bộ môn thể thao phù hợp để duy trì tập luyện trong thời gian mang thai là cực kỳ cần thiết. Mẹ bầu nên ưu tiên lựa chọn những bộ môn nhẹ nhàng và an toàn như yoga, đi bộ, bơi lội…

3.14. Tránh quan hệ tình dục mạnh bạo

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ vẫn có thể quan hệ tình dục bình thường. Tuy nhiên cần giao hợp nhẹ nhàng, cẩn thận, thực hiện tư thế an toàn để không ảnh hưởng đến thai nhi. Mẹ bầu nên tránh lựa chọn những tư thế quan hệ mới lạ, giao hợp mạnh bạo bởi có thể gây ra tình trạng doạ sảy, sảy thai do thai nhi chưa ổn định trong 3 tháng đầu thai kỳ. Trong trường hợp mẹ bầu gặp một số vấn đề liên quan đến thai kỳ và thai nhi thì cần kiêng quan hệ tình dục 3 tháng đầu mang thai.

3.15. Không tự ý mua và sử dụng thuốc

Hệ miễn dịch của mẹ bầu trong 3 tháng đầu mang thai sẽ yếu hơn thông thường nên rất dễ mắc bệnh. Nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường, mẹ bầu không được tự ý mua thuốc để tự chữa trị vì có thể xảy ra nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, thai phụ cần liên hệ bác sĩ chuyên khoa để tham khảo ý kiến trước khi sử dụng thuốc chữa bệnh.

3.16. Tránh lạm dụng thuốc bổ và thực phẩm chức năng

Khi bước vào thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng đầu, mẹ bầu thường có tâm lý phải tạo điều kiện tốt nhất để thai nhi phát triển khoẻ mạnh nên bổ sung rất nhiều loại thuốc bổ và thực phẩm chức năng. Việc lạm dụng thuốc bổ và thực phẩm chức năng kéo dài có thể làm phản tác dụng, ảnh hưởng đến chức năng gan của mẹ bầu, gây ra tình trạng mệt mỏi, uể oải, táo bón, chán ăn…

Chính vì vậy, mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu không nên tự ý sử dụng thuốc bổ và thực phẩm chức năng, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.

3.17. Chú ý khi tiêm vacxin

Mẹ bầu khi mang thai 3 tháng đầu không được tiêm bất cứ loại vacxin nào do đây là giai đoạn thai nhi đang hình thành các cơ quan của cơ thể. Một số thành phần trong vacxin có thể tác động tiêu cực đến thai nhi, dễ gây ra dị tật bẩm sinh, các vấn đề về não, suy dinh dưỡng…

Do đó, chị em nên chủ động tiêm phòng trước khi mang thai để vacxin có thể phát huy tối đa công dụng. Thêm vào đó, trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ thai phụ cũng có thể thực hiện các mũi tiêm phòng cần thiết để đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và bé.

3.18. Tuyệt đối không tự ý chụp X-quang

Tia X-quang có thể gây ra nhiều tác hại cho thai nhi, tuỳ vào nồng độ, thời gian tiếp xúc và tuổi thai. Dù cho lượng bức xạ trong mỗi lần chụp X-quang là rất nhỏ nhưng nếu mẹ bầu không che chắn cẩn thận vùng bụng vẫn có nguy cơ gây ra sảy thai, dị tật và ung thư thai nhi.

Vì vậy, mẹ bầu tuyệt đối không được tự ý đi thăm khám và tiến hành chụp X-quang bừa bãi khi chưa có chỉ định của chuyên gia y tế.

3.19. Tránh tắm bồn

Việc ngâm mình trong bồn tắm đầy nước có thể giúp các chị em thư giãn sau một ngày bận rộn. Thế nhưng các mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu cần tránh tắm bồn nước nóng vì có thể gây ra nhiều tác hại cho thai kỳ. Việc tắm bồn tạo điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn, virus, nấm men xâm nhập, tấn công và sinh sôi tại vùng kín mẹ bầu. Bên cạnh đó, tắm bồn nước nóng quá lâu cũng khiến nhiệt độ cơ thể mẹ bầu và nước ối tăng lên, khiến thai nhi trong 3 tháng đầu có thể bị dị tật bẩm sinh về não. Vậy nên thai phụ nên ưu tiên sử dụng vòi hoa sen để tắm rửa.

3.20. Không nên tắm và xông hơi bằng nước quá nóng

Tắm và xông hơi bằng nước quá nóng là điều mà mẹ bầu cần tránh trong 3 tháng đầu mang thai. Nếu mẹ bầu sử dụng nước quá nóng, thân nhiệt cũng bị tác động trực tiếp và tăng cao. Khi đó nhiệt độ túi ối cũng tăng lên, gây khó khăn cho khả năng hô hấp của em bé, cũng như khiến sự phát triển phần não, tuỷ sống của thai nhi bị cản trở. Ngoài ra, huyết áp thai phụ có thể bị giảm xuống nếu tắm nước quá nóng, khiến các mạch máu bị giãn nở, dẫn đến hiện tượng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu…

Mẹ bầu cần chú ý vệ sinh cơ thể bằng nước sạch với nhiệt độ phù hợp, không quá nóng cũng không quá lạnh để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và thai nhi.

3.21. Tránh tiếp xúc với mèo

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu nên tránh tiếp xúc với mèo bởi loài động vật này thường bị ký sinh trùng Toxoplasmosis tấn công. Khi nhiễm bệnh, mèo thường không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó nhận biết. Cơ thể thai phụ khi bị nhiễm loại vi khuẩn này thường mệt mỏi, đau nhức, cảm cúm, sưng hạch bạch huyết… Đồng thời, loại ký sinh trùng này cũng ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi, có thể khiến trẻ sơ sinh bị gặp nhiều vấn đề về não, mắt, cơ quan nội tạng…

4. Mang thai 3 tháng đầu không nên ăn gì?

Những loại thực phẩm cần kiêng trong 3 tháng đầu mang thai là điều mà mọi thai phụ đều cần nắm rõ để ngăn chặn nguy cơ sảy thai, dị tật, sinh non. Trong 3 tháng đầu mang thai, mẹ bầu chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của cơ thể nên rất nhạy cảm với các loại thực phẩm. Đồng thời, 3 tháng đầu là thời điểm thai nhi mới hình thành một số bộ phận nên rất dễ tổn thương. Do đó, để an toàn vượt qua 3 tháng đầu thai kỳ, các mẹ cần kiêng các loại thực phẩm dưới đây:

4.1. Đu đủ xanh

Không giống như đu đủ chín, thai phụ trong 3 tháng đầu mang thai được khuyến cáo là tránh ăn đu đủ xanh. Nguyên nhân là do trong đu đủ xanh có chứa nhiều thành phần enzym, papain và 4% chất nhựa latex. Những thành phần này có thể khiến tử cung bị co thắt, dẫn đến tình trạng doạ sảy, sảy thai.

Chính vì vậy, mẹ bầu không nên ăn các món chế biến từ đu đủ xanh như gỏi, nộm, salad, đồ trộn… Trong trường hợp quá thèm thì mẹ bầu có thể ăn đu đủ đã chín nhưng cần chú ý chỉ ăn lượng nhỏ để tránh gây ra tác hại không mong muốn.

4.2. Rau ngót

Chị em đã từng sinh nở chắc hẳn đều biết rau ngót vô cùng tốt cho phụ nữ sau sinh. Thế nhưng với những mẹ bầu thì ngược lại, rau ngót được liệt vào danh sách những thực phẩm cần kiêng trong 3 tháng đầu mang thai. Loại rau này có chứa nhiều thành phần không tốt cho thai kỳ, đặc biệt là papaverin ảnh hưởng xấu đến tử cung thai phụ.

Một số dấu hiệu thai phụ dễ gặp phải nếu ăn rau ngót là đau bụng dưới bất thường, chảy máu âm đạo. Các mẹ bầu ăn rau ngót có nguy cơ sảy thai rất cao do tử cung co bóp mạnh mẽ, làm thai nhi tuột khỏi thành tử cung.

4.3. Rau răm

Rau răm là một loại rau ăn kèm với nhiều món ăn khác nhằm tăng mùi vị cũng như được sử dụng để chữa nhiều loại bệnh. Dù cho có rất nhiều lợi ích, rau răm là một loại thực phẩm mà mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu không được ăn. Khi các mẹ ăn loại rau này, tử cung sẽ bị kích thích dẫn đến co bóp, xuất huyết và có nguy cơ gây ra sảy thai, dị tật bẩm sinh cho em bé.

4.4. Ngải cứu

Ngải cứu là loại rau rất tốt cho sức khoẻ nữ giới nhưng các mẹ bầu trong 3 tháng đầu mang thai lại không nên ăn. Trong ngải cứu có hàm lượng methanol, có khả năng gây ra sảy thai, sinh non nếu ăn quá 80 – 150mg/ngày. Do đó, các mẹ đang trong những tháng đầu thai kỳ nên hạn chế ăn loại rau này để đảm bảo sức khoẻ cho mẹ và em bé.

4.5. Măng tươi

Trong 3 tháng đầu mang thai, mẹ bầu nên tránh các món ăn chế biến từ măng tươi. Điều này là do trong măng chứa acid cyanhydric và glucozit, có thể gây ngộ độc thai kỳ với các dấu hiệu choáng váng, ù tai, nôn ói, đau đầu, khó thở tụt huyết áp. Nguy hiểm hơn là nguy cơ dẫn đến tình trạng sảy thai, thai chết lưu, gây nguy hiểm cho tính mạng thai phụ và thai nhi.

4.6. Mướp đắng

Đây là thực phẩm được biết đến với công dụng giải nhiệt, ổn định đường huyết và huyết áp hiệu quả do chứa nhiều vitamin, chất xơ và các thành phần tốt cho sức khoẻ. Thế nhưng nữ giới trong 3 tháng đầu mang thai được khuyến cáo không nên ăn mướp đắng.

Mướp đắng có chứa nhiều hợp chất, thành phần không tốt cho phụ nữ mang thai, điển hình là monodicine và quinine. Khi ăn mướp đắng, tử cung sẽ bị kích thích, từ đó co thắt dữ dội, gây ra tình trạng động thai và thậm chí là sảy thai. Bên cạnh đó, thành phần vincine có trong mướp đắng có thể làm các thai phụ có cơ địa nhạy cảm gặp hiện tượng dị ứng, ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân thai phụ và cả thai nhi.

4.7. Rau sống, rau mầm

Trong các loại rau sống, rau mầm có thể chứa lượng lớn các vi khuẩn, ký sinh trùng, dư lượng hoá chất trừ sâu và rất khó để rửa sạch hoàn toàn. Đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ, cơ thể mẹ bầu có nhiều thay đổi và vô cùng nhạy cảm với tác nhân gây bệnh. Nếu các mẹ ăn rau sống, rau mầm thì có khả năng rất cao bị nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, nhiễm giun sán, nhiễm độc thuốc trừ sâu…

Vì vậy, trong những tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu nên hạn chế ăn rau sống, thay vào đó là ăn ăn củ đã được chế biến cẩn thận và chín kỹ. Nếu quá thèm rau sống, rau mầm, mẹ bầu cần sơ chế cẩn thận trước khi ăn và chỉ nên một lượng nhỏ.

4.8. Rau chùm ngây

Rau chùm ngây chứa nhiều vitamin, khoáng chất có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, thành phần alpha sitosterol trong loại rau này có thể khiến co cơ trơn tử cung, từ đó gây ra sảy thai. Do đó, mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu không nên ăn loại rau này để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho bản thân và em bé.

4.9. Nha đam

Nha đam (lô hội) thường được chị em ưu ái sử dụng bởi mang lại nhiều công dụng trong sức khoẻ, làm đẹp và ẩm thực. Thế nhưng phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thai kỳ không nên ăn nha đam. Theo các nghiên cứu, loại thực phẩm này có nguy cơ gây xuất huyết vùng chậu, co thắt tử cung, dẫn đến động thai và nghiêm trọng hơn là không giữ được thai nhi nếu thường xuyên ăn.

4.10. Rau sam

Các mẹ bầu trong 3 tháng đầu mang thai cần chú ý tuyệt đối không ăn rau sam. Rau sam là một loại dược liệu tốt, có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng lại có tính hàn rất cao và chứa nhiều thành phần không tốt cho thai phụ. Loại rau này có thể khiến tử cung thai phụ bị kích thích mạnh mẽ, gia tăng tần suất co bóp và gây ra sảy thai.

4.11. Quả dứa

Dứa là một loại trái cây thơm ngon và được nhiều chị em đặc biệt yêu thích. Tuy nhiên, phụ nữ trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ cần tránh ăn quả dứa và những món ăn, thức uống chế biến từ loại quả này. Nguyên nhân là do hợp chất bromelain có trong dứa có thể khiến tử cung kích thích và co bóp mất kiểm soát, từ đó gây ra sảy thai hoặc sinh non. Ngoài ra, cơ thể mẹ bầu khá nhạy cảm khi mới bước vào thai kỳ nên ăn dứa có thể gây ra các vấn đề liên quan đến tiêu hoá và dạ dày như tiêu chảy, kiết lỵ, đau dạ dày, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày…

Để bảo vệ bản thân và thai nhi, mẹ bầu cần tránh ăn dứa trong tam cá nguyệt thứ nhất. Khi bước sang tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, các mẹ có thể thưởng thức loại quả này nhưng cần chú ý ăn với lượng phù hợp và cắt bỏ phần lõi.

4.12. Quả nhãn

Một trong những loại trái cây mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu cần hạn chế ăn là quả nhãn. Điều này là do trong nhãn chứa hàm lượng glucose cao nên có tính nóng. Thai phụ ăn nhiều loại quả này có thể bị tiểu đường thai kỳ, nổi mụn, nguy hiểm hơn là động thai.

Nếu mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, táo bón, nóng trong người thì việc ăn quá nhiều nhãn có thể khiến mức độ bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Đặc biệt là những thai phụ đã từng gặp tình trạng doạ sảy và thể trạng không tốt thì nên hạn chế ăn nhãn trong toàn bộ thời gian mang bầu để tránh gặp phải những vấn đề gây nguy hiểm cho thai kỳ.

4.13. Đồ muối chua

Các loại đồ muối chua khá phổ biến trong mâm cơm của người Việt và là món ăn được nhiều chị em ưu thích. Thế nhưng chị em đang mang thai 3 tháng đầu cần hạn chế ăn những loại đồ chua như hành muối, củ kiệu, dưa góp, cà muối... Trong các loại đồ muối chua thường chứa rất nhiều axit và lượng nitrat dư thừa, không tốt cho dạ dày và hệ tiêu hoá của mẹ bầu. Đặc biệt các mẹ gặp vấn đề huyết áp thai kỳ càng không nên ăn các loại đồ muối chua. Vì vậy, mẹ bầu trong 3 tháng đầu mang thai không được ăn đồ muối chua hàng ngày để đảm bảo sức khoẻ cho bản thân cũng như giúp em bé phát triển thuận lợi.

4.14. Phomai

Trong 3 tháng đầu mang thai, các mẹ không nên sử dụng các loại phomai chưa được thanh trùng kỹ lưỡng. Một số loại phomai có thành phần là sữa tươi chưa được tiệt trùng cẩn thận nên có thể chứa vi khuẩn listeria. Khi bị nhiễm loại vi khuẩn này, mẹ bầu có thể đối diện với các vấn đề như buồn nôn, cảm cúm, rối loạn đông máu, động kinh, suy giảm thính giác, thậm chí là tử vong. Thai nhi bị vi khuẩn tấn công có nguy cơ bị sảy thai, sinh thiếu tháng, tử vong chu sinh.

Chính vì vậy, mẹ bầu cần chú ý lựa chọn loại phomai có nguyên liệu phù hợp và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi ăn một loại phomai nào đó.

4.15. Thịt nguội

Cũng giống như phomai, nhiều loại thịt nguội, dăm bông, thịt xông khói… có chứa vi khuẩn listeria. Khi bị nhiễm khuẩn, sức khoẻ người mẹ và tính mạng thai nhi đều ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, thai phụ mang thai 3 tháng đầu cần tránh ăn các loại thịt nguội để tránh xảy ra những hệ quả đáng tiếc.

4.16. Đồ ăn chế biến sẵn

Trong suốt thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng đầu, các mẹ bầu nên hạn chế sử dụng đồ ăn chế biến sẵn, đồ đóng hộp, đồ đông lạnh. Các loại thực phẩm này đều có chứa chất bảo quản và nhiều loại chất khác không tốt cho sức khoẻ mẹ bầu. Nếu bảo quản các loại thực phẩm này không cẩn thận và để lâu ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi. Thai phụ ăn những thực phẩm này có nguy cơ cơ bị đau bụng, tiêu chảy, táo bón, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hệ tiêu hoá.

Bên cạnh đó, các loại đồ ăn đóng hộp, đồ ăn đông lạnh sẽ không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho mẹ bầu, từ đó khiến thai nhi chậm phát triển, dễ mắc phải các bị tật bẩm sinh, đề kháng yếu, thấp lùn, nhẹ cân, còi xương, suy dinh dưỡng… Vậy nên trong thời gian mang thai, các mẹ nên ưu tiên các nguyên liệu tươi sạch để chế biến thành các món ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

4.17. Đồ ăn quá mặn

Mẹ bầu có thói quen chế biến và thường xuyên ăn các món quá mặn có thể khiến cơ thể bị phù nề, tăng huyết áp, nhiễm độc thai kỳ, tai biến thai kỳ… Do đó, các mẹ cần nhanh chóng thay đổi thói quen ăn uống không lành mạnh này để đảm bảo có một thai kỳ an toàn và tạo điều kiện tốt nhất cho em bé phát triển.

4.18. Đồ ăn tái, sống

Các thai phụ mang thai 3 tháng đầu cũng nên hạn chế ăn các loại thực phẩm tái, sống, chưa chín như hàu sống, trứng chần, thịt bò tái, món gỏi… Nguyên nhân là do những loại thực phẩm không được làm chín này có thể chứa nhiều mầm bệnh. Sức khoẻ của mẹ bầu bị nhiễm khuẩn và mắc bệnh sẽ bị suy giảm nghiêm trọng đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến em bé. Thai nhi sẽ chậm phát triển và có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh.

4.19. Nội tạng động vật

Nội tạng động vật là loại thực phẩm các mẹ không nên ăn thường xuyên trong 3 tháng đầu thai kỳ. Dù chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao nhưng nội tạng lại có lượng cholesterol và chất béo bão hoà cao hơn hơn các loại thịt. Nếu ăn quá nhiều nội tạng, mẹ bầu có nguy cơ đối mặt với nhiều vấn đề nguy hiểm liên quan đến cân nặng, tim mạch và mỡ máu. Đặc biệt là gan động vật, loại thực phẩm này thường chứa nhiều độc tố có thể khiến thai phụ bị ngộ độc và gây ra tình trạng quái thai ở em bé.

4.20. Hải sản chứa hàm lượng thuỷ ngân cao

Các loại thuỷ hải sản thường có hàm lượng thuỷ ngân rất cao, điển hình là cá thu, cá ngừ, cá kình… Thuỷ ngân là một kim loại nặng có thể gây hại cho mẹ bầu và thai nhi. Nếu thai phụ ăn quá nhiều hải sản chứa thuỷ ngân, thai nhi có nguy cơ rất cao gặp các vấn đề về não, trí tuệ, nội tạng, thị giác, thính giác, khó có thể phát triển bình thường.

Chính vì vậy, mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu nên hạn chế ăn hải sản. Thay vào đó có thể ăn những loại tôm, cá chép, cá rô, cá hồi… vừa an toàn vừa giàu chất bổ dưỡng.

4.21. Chất kích thích

Chắc hẳn các mẹ bầu không còn xa lạ với khuyến cáo không nên sử dụng chất kích thích trong suốt thời gian mang thai. Các chất kích thích như thuốc lá, trà, cà phê, rượu, bia… ảnh hưởng cực kỳ lớn đến sức khoẻ của người mẹ và sự phát triển của thai nhi. Những chất có hại này khiến cho nguy cơ sảy thai gia tăng thai nhi khó phát triển bình thường và suy giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, thậm chí là gây ra nhiều dị tật bẩm sinh cho em bé.

Bên cạnh những thực phẩm kể trên, mẹ bầu mang thai 3 tháng đầu cũng nên hạn chế ăn những thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, chứa nhiều đường, đồ uống có gas… Đặc biệt, các mẹ phải cân bằng chế độ ăn uống, tránh thừa chất hoặc thiếu chất, đảm bảo sức khoẻ trong thời gian mang thai và giúp em bé có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển.

Có thể bạn quan tâm:

5. Mang thai 3 tháng đầu nên ăn gì?

Theo như thông tin đã chia sẻ, thai nhi ở ba tháng đầu thai kỳ đã bắt đầu hình thành những bộ phận đầu tiên của cơ thể. Vì vậy, để tạo điều kiện cho thai nhi phát triển thuận lợi và khoẻ mạnh, mẹ bầu cần chú ý chế độ ăn uống sao cho cân bằng chất dinh dưỡng, tránh thừa hoặc thiếu chất. Đặc biệt, các mẹ có thể bổ sung thêm các dưỡng chất cần thiết cho thai nhi như canxi, sắt, axit folic, vitamin D…  Trong trường hợp mẹ bầu không cung cấp đủ các chất thiết yếu trên, thai nhi có nguy cơ rất cao bị dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng, không thể phát triển bình thường, nghiêm trọng hơn là sảy thai. Dưới đây là những dưỡng chất thai phụ nên bổ sung trong 3 tháng đầu thai kỳ:

5.1. Năng lượng

Năng lượng trung bình mà thai phụ mang thai 3 tháng đầu cần có là 2300 – 2400 kcal/ngày. Vì trong thời điểm mang thai, mẹ bầu cần nhiều năng lượng hơn bình thường nên việc bổ sung thực phẩm để cung cấp nguồn năng lượng dồi dào là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, các mẹ cần kiểm soát năng lượng mà cơ thể nạp vào để tránh dẫn đến tình trạng tăng cân quá nhanh và thừa cân nghiêm trọng.

5.2. Protein

Trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, protein có vai trò hỗ trợ quá trình sản xuất máu, tăng trưởng mô vú và tử cung, tăng cường hệ miễn dịch nhằm sản sinh nhiều kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Đồng thời, protein cũng có nhiệm vụ giúp thai nhi phát triển bình thường và nhanh chóng.

Vì vậy, thai phụ cần đảm bảo cung cấp đủ lượng protein khoảng 85 – 90g protein/ngày. Các mẹ cần tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu protein như trứng, thịt gà, thịt nạc heo, cá, sữa, đậu… Thế nhưng chỉ nên ăn những thực phẩm này với mức độ hợp lý, tránh gây ra nhiều tác hại ảnh hưởng đến sức khoẻ người mẹ và em bé.

5.3. Sắt

Sắt là một chất vô cùng quan trọng với cơ thể mỗi người, đặc biệt là với những nữ giới mang thai 3 tháng đầu. Đây là chất có chức năng hỗ trợ quá trình sản sinh máu, đảm bảo vận chuyển đầy đủ oxy và chất dinh dưỡng đến thai nhi. Ngoài ra, sắt cũng góp phần nâng cao hệ miễn dịch và thúc đẩy quá trình cấu tạo enzyme tại hệ miễn dịch.

Mẹ bầu rất dễ bị thiếu máu vì cơ thể có nhiều thay đổi đột ngột. Tình trạng thiếu máu kéo dài có thể khiến thai phụ mệt mỏi, chán ăn, mặt mũi xanh xao, hoa mắt, chóng mặt, rụng tóc và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như sinh non, sảy thai. Thai nhi cũng chịu ảnh hưởng từ tình trạng thiếu máu của mẹ, khó phát triển, suy dinh dưỡng, thiếu chất…

Với tầm quan trọng của sắt, mẹ bầu cần bổ sung đủ lượng sắt cần thiết khoảng 36 -40 mng/ngày. Các loại thực phẩm giàu sắt như: thịt đỏ, rau lá xanh, ngũ cốc nguyên cám, đậu, cá hồi… Đồng thời, mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng thêm các loại viên uống cung cấp chất sắt.

5.4. Axit folic

Axit folic là một hợp chất tác động trực tiếp đến quá trình hình thành não và cột sống của thai nhi. Nếu trong thai kỳ, đặc biệt là giai đoạn 3 tháng đầu, thai phụ không cung cấp đủ 400mg axit folic mỗi ngày, trẻ có nguy cơ rất cao mắc phải các dị tật bẩm sinh. Khi bị thiếu chất này, em bé dễ bị hở hàm ếch, hở đốt sống, khiếm khuyết ở ống thần kinh, không có hộp sọ, thoát vị màng não, nhiều bất thường về tim mạch, đường tiểu, tay chân…

Vì tương lai của trẻ, thai phụ nên bổ sung hợp lý các thực phẩm cung cấp axit folic như: rau xanh sẫm, măng tây, các loại đậu, súp lơ, củ cải đường, gan, trứng… Thêm vào đó, thai phụ cũng có thể sử dụng các loại viên đường uống theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

5.5. Vitamin C

Vitamin C có vai trò tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa những triệu chứng cảm cúm cho mẹ bầu. Đồng thời cũng hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển của xương khớp, mạch máu… của thai nhi. Đây chính là một loại vitamin vô cùng cần thiết và cần được bổ sung đầy đủ trong 3 tháng đầu mang thai của mẹ bầu.

Các mẹ tuyệt đối không được xem nhẹ việc bổ sung vitamin C trong thai kỳ bởi nếu thiếu hụt loại vitamin này, em bé dễ gặp các vấn đề liên quan đến não, thậm chí là tổn thương não. Mẹ bầu có thể tăng cường sử dụng các thực phẩm chứa hàm lượng vitamin C cao như cam, quýt, bưởi, dâu, kiwi, dưa vàng, bông cải…

5.6. Vitamin D

Một loại vitamin vô cùng quan trọng đối với thai phụ trong 3 tháng đầu thai kỳ là vitamin D. Mẹ bầu cung cấp đủ vitamin D sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, sinh non, cải thiện hoạt động của hệ thần kinh và hệ miễn dịch. Loại vitamin này cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển hệ xương cũng như hỗ trợ quá trình phân chia tế bào của thai nhi.

Theo nhiều nghiên cứu, nhu cầu vitamin D mỗi ngày của phụ nữ mang thai 3 tháng đầu là 800 UI. Các mẹ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin D vào khẩu phần ăn hàng ngày như trứng, sữa, bơ, cá… Đồng thời, mẹ bầu cũng nên dành ra một khoảng thời gian để tắm nắng vào sáng sớm để hấp thụ nguồn vitamin D tự nhiên. Nếu thực phẩm và việc tắm nắng không thể cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết cho mẹ và bé thì mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thêm viên uống.

5.7. Canxi

Canxi cũng là một dưỡng chất mà thai phụ cần chú ý bổ sung đầy đủ trong 3 tháng đầu cũng như trong suốt thai kỳ. Chức năng của canxi là hỗ trợ sự phát triển toàn diện của thai nhi, đặc biệt là hệ xương. Bên cạnh đó, canxi cũng giúp mẹ bầu tránh gặp phải tình trạng xốp xương, loãng xương, xương dễ gãy. Theo như khuyến cáo của các chuyên gia y tế, mỗi ngày mẹ bầu cần bổ sung 800 – 1000mg canxi trong 3 tháng đầu thai kỳ. Các mẹ có thể bổ sung canxi thông qua các thực phẩm như sữa, trứng, tôm, cá, đậu, cà rốt… và các viên uống cung cấp canxi.

Các mẹ không được chủ quan trong việc bổ sung đủ lượng canxi trong giai đoạn đầu của thai kỳ vì thai nhi không có canxi để phát triển có nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch, bất thường ở ống thần kinh, còi xương, kém phát triển về chiều cao, đầu bẹp cá trê, chân vòng kiềng…

Nếu thai phụ không bổ sung đủ lượng canxi cần thiết, thai nhi có thể phải lấy nguồn canxi từ người mẹ dẫn đến các dấu hiệu như tê bì tay chân, đau nhức cơ, chuột rút, suy nhược cơ thể, sâu răng. Tình trạng thiếu hụt canxi kéo dài có thể khiến các mẹ bầu bị co giật, rối loạn nhịp tim, suy giảm hệ miễn dịch, suy giảm trí nhớ, tâm lý nặng nề…

5.8. Các nguyên tố vi lượng

Bên cạnh các loại chất cần thiết trên, thai phụ trong 3 tháng đầu mang thai cần chú ý bổ sung các nguyên tố vi lượng. Một số nguyên tố liên quan trực tiếp đến sự phát triển toàn diện của thai nhi là kẽm, magie, vitamin A, vitamin nhóm B, selen… và đặc biệt là DHA. Đây là chất có nhiệm vụ hỗ trợ sự hình thành, phát triển của hệ thần kinh, trí thông minh và võng mạc em bé. Mẹ bầu 3 tháng đầu thai kỳ cần bổ sung 100 – 120mg DHA mỗi ngày thông qua lòng đỏ trứng, thịt đỏ, cá, thịt nạc, rau có màu xanh đậm, ngũ cốc, sữa… Trên thị trường cũng có rất nhiều loại viên uống DHA để mẹ bầu có thể thoải mái lựa chọn. Tuy nhiên các mẹ cần hỏi ý kiến của chuyên gia y tế để được hướng dẫn về liều lượng trước khi sử dụng.

6. Cách cải thiện tình trạng ốm nghén trong 3 tháng đầu mang thai

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu có thể gặp phải tình trạng ốm nghén, buồn nôn và nôn ói thường xuyên. Dưới đây là một số bài thuốc dân gian, bí quyết đơn giản giúp mẹ bầu cải thiện những triệu chứng ốm nghén khó chịu trong tam cá nguyệt thứ nhất:

  • Rau bạc hà: Thai phụ có thể bổ sung rau bạc hà vào chế độ ăn uống, dùng để nấu trà, dùng kèm với thực phẩm khác hoặc sử dụng tinh dầu bạc hà để thư giãn và làm giảm triệu chứng khó chịu.
  • Gừng tươi: Các triệu chứng ốm nghén có thể cải thiện nếu kiên trì sử dụng gừng tươi. Mẹ bầu có thể uống trà gừng, làm mứt gừng, chế biến gừng cùng nhiều thực phẩm khác thành nhiều món ăn. Tuy nhiên nếu thai phụ gặp các vấn đề như huyết áp thấp, hạ đường huyết, rối loạn đông máu thì tuyệt đối không được sử dụng phương pháp này.
  • Chanh: Mẹ bầu có thể áp dụng các mẹo sử dụng chanh để cải thiện tình trạng ốm nghén khi mang thai 3 tháng đầu. Việc ngửi vỏ chanh hoặc sử dụng tinh dầu chanh sẽ giúp giảm cảm giác buồn nôn. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng có thể pha chanh với mật ong để uống để cơ thể thoải mái hơn trong thời gian ốm nghén.
  • Bánh mì: Ăn một vài lát bánh mì vào bữa phụ cũng có thể giúp mẹ bầu giảm cảm giác buồn nôn.
  • Bổ sung thực phẩm giàu vitamin: Để dễ dàng vượt qua thời kỳ ốm nghén, mẹ bầu nên bổ sung các loại rau củ, hoa quả tươi giàu vitamin, khoáng chất để cải thiện sức đề kháng và tăng cường sức khoẻ.
  • Chia nhỏ bữa ăn: Vì cảm giác buồn nôn và tình trạng nôn ói khiến mẹ bầu chán ăn và không thể dễ dàng ăn uống như bình thường nên mẹ bầu có thể ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, ăn bữa phụ vào buổi sáng và buổi chiều.
  • Uống đủ nước: Phụ nữ mang thai nên cố gắng uống đủ nước mỗi ngày và uống từ từ từng ngụm, tránh uống nhanh và liên tục có thể dẫn đến tình trạng sặc nước và buồn nôn.

7. Mang thai 3 tháng đầu cần đi khám khi nào?

Ngay khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ có thai, mẹ bầu cần tìm đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, siêu âm và đánh giá tình trạng thai nhi. Theo các chuyên gia y tế, thai phụ nên thực hiện khám thai với tần suất 1 lần/tháng trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Trong buổi khám thai đầu tiên của 3 tháng đầu thai kỳ, trước hết bác sĩ sẽ kiểm tra các chỉ số như chiều cao, cân nặng, huyết áp, nhịp tim của các mẹ. Mẹ bầu cũng sẽ được khai thác một số thông tin về điều kiện sức khoẻ, tiền sử bệnh lý, tiền sử dùng thuốc, tiền sử mang thai và sinh đẻ. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để kiểm tra tình trạng thai nhi và làm một số xét nghiệm cần thiết để sàng lọc các vấn đề về tuyến giáp, lượng máu, thể trạng của thai phụ.

Đến thời điểm thai được khoảng 11 tuần tuổi, thai phụ cần thực hiện đo độ mờ da gáy cho thai nhi để sàng lọc di truyền, đánh giá nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh và phát hiện bất thường nhiễm sắc thể. Việc đo độ mờ da gáy cho thai nhi không nên thực hiện quá sớm hoặc quá trễ vì có thể cho ra chỉ số kết quả không chính xác.

Trên đây là những chia sẻ của chuyên gia đến từ phòng khám đa khoa Thái Hà về những điều kiêng kỵ trong 3 tháng đầu mang thai hay mang thai 3 tháng đầu cần chú ý những gì? Mong rằng nội dung bài viết sẽ giúp ích cho mẹ bầu trong việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt và ăn uống trong 3 tháng đầu thai kỳ. Từ đó tạo điều kiện tốt nhất để em bé có thể phát triển toàn diện và khoẻ mạnh. Chúc các thai phụ có một thai kỳ thuận lợi và vượt cạn thành công, mẹ tròn con vuông.

https://phathaithaiha.webflow.io

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Đường đến phòng khám đa khoa Thái Hà
banner mobiphoneanh-traituvanmienphiChat mobimessenger
Chat Zalo